Do ảnh hưởng của cuộc chiến khiến giá xăng dầu trên thế giới tăng đáng kể, việc này gây ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất trên toàn thế giới.
Giá xăng dầu thế giới
Theo oilprice, lúc 6 giờ 20 phút ngày 28-2, giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 97,62 USD/thùng, tăng 6.03 USD, tương đương 6,58%.
Cùng thời điểm, giá dầu thô Brent được giao dịch ở mức 104,05 USD/thùng, tăng 6,25%, tương đương 6,12 USD.
Những diễn biến xoay quanh cuộc chiến Nga-Ukraine vào cuối tuần đã đẩy giá dầu nhanh chóng “tăng tốc” trở lại.Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, cả hai mặt hàng dầu Brent và WTI đã “đỏ sàn”, có thời điểm “rớt giá” về mức trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine.
BP, tập đoàn dầu khí có trụ sở ở Anh, trong một tuyên bố hôm 27-2 cho biết, họ đã loại bỏ 20% cổ phần của mình khỏi Công ty dầu khí quốc doanh Nga Rosneft mà họ nắm giữ từ năm 2013. Đây là một dấu hiệu rõ ràng về phản ứng dữ dội của công ty đối với chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga thực hiện tại Ukraine.
Theo tuyên bố này, từ nay trở đi, tập đoàn sẽ không báo cáo trữ lượng, sản lượng hoặc lợi nhuận từ Rosneft nữa và giám đốc điều hành Bernard Looney sẽ từ chức khỏi hội đồng quản trị Rosneft và “có hiệu lực ngay lập tức”.
Chủ tịch của BP, Helge Lund, mô tả cuộc tấn công của Nga vào Ukraine “đang gây ra hậu quả bi thảm trên toàn khu vực” và cho biết việc loại bỏ 20% cổ phần khỏi Rosneft là “vì lợi ích dài hạn tốt nhất cho tất cả các cổ đông của chúng tôi”.
Cũng trong ngày 27-2, nhiều vụ nổ đã được ghi nhận tại các kho nhiên liệu và đường ống dẫn khí đốt của Ukraine, trong đó có đám cháy bùng phát dữ dội tại kho chứa nhiên liệu Vasilkovskaya ở thành phố Vasilkov, phía tây nam thủ đô Kiev. Vasilkov là nơi có căn cứ của Không quân Ukraine. Đường ống dẫn khí đốt ở Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, cũng đã phát nổ.
Cuối tuần trước, Ấn Độ cũng đã cam kết ủng hộ lời kêu gọi giải phóng dầu từ kho dự trữ dầu chiến lược của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một nỗ lực nhằm “hạ nhiệt” giá dầu. Tuy nhiên, nước này không cho biết cụ thể sẽ giải phóng bao nhiêu và khi nào giải phóng dầu.
Giá dầu đã tăng “sốc” bởi lo ngại các lệnh cấm vận của phương Tây áp dụng đối với Nga sẽ làm “gián đoạn” nguồn cung dầu vốn đang bị thắt chặt. Tuy nhiên, giá dầu đã nhanh chóng trượt dốc sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố các lệnh trừng phạt mới mà không bao gồm bất kỳ lệnh trừng phạt nào liên quan đến năng lượng – bánh mì và bơ của Nga; đồng thời kêu gọi các nước tiêu thụ dầu lớn trên thế giới cùng chung tay giải phóng dầu từ kho dự trữ dầu thô chiến lược của mình.Giữa tuần trước, giá dầu thô đã tăng vọt trong một thị trường dầu vốn đã biến động. Cả Brent và WTI đã tăng hơn 8%. Brent lập đỉnh 105,79 USD/thùng trong khi WTI cũng xác lập kỷ lục 100,54 USD/thùng kể từ mùa thu 2014 trong ngày 24-2 khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 28-2 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 25.532 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 26.287 đồng/lít; dầu diesel không quá 20.801 đồng/lít; dầu hỏa không quá 19.509 đồng/lít và dầu mazut không quá 17.932 đồng/kg.

Ngày 1/3, Liên Bộ Tài chính – Công Thương sẽ điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho biết giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 24/2 tăng nhẹ so với kỳ tính giá trước.
Cụ thể, bình quân xăng RON 92 có giá 110,53 USD/thùng, giá xăng RON 95 ở mức 113,36 USD/thùng.
Trao đổi với Zing, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối ở TP.HCM cho biết tuần qua là tuần biến động mạnh của giá dầu thô khi tăng lên cao nhất trong hơn 7 năm, vượt mốc 100 USD/thùng sau khi Nga tấn công Ukraine. Kỳ điều hành ngày 1/3, giá xăng trong nước sẽ tăng khoảng 200-300 đồng/lít, dầu 150-250 đồng/lít.
Ở chiều ngược lại, nếu cơ quan quản lý giảm trích lập hoặc tăng chi quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng có thể đi ngang hoặc chỉ tăng nhẹ.
Nếu đúng như dự báo, giá các mặt hàng xăng trong nước sẽ có lần tăng thứ 6 liên tiếp và là đợt tăng thứ 5 trong năm 2022.
Sau kỳ điều chỉnh ngày 21/2, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, đặc biệt ở phía Nam cho biết vẫn còn tình trạng thiếu hụt tạm thời xăng RON 95 và nguồn cung vẫn chưa ổn định.
Từ ngày 15/3, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã có kế hoạch sẽ chạy 85% công suất và từ đầu tháng 4 sẽ chạy đủ 100% công suất. Dự kiến tháng 3, nhà máy cung cấp khoảng 80% so với kế hoạch theo tháng, tức 540.000/680.000 m3.
Tuy nhiên, nhà máy chưa có kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh vào tháng 4 và tháng 5, đặc biệt sau tháng 5 chưa rõ về khả năng duy trì sản xuất.
Theo đó, Bộ Công Thương đã giao 10 công ty đầu mối nhập khẩu thêm 2,4 triệu m3 xăng dầu các loại trong quý II nhằm đảm bảo nhu cầu xăng dầu trong nước.
Đến hết quý IV/2021, số quỹ bình ổn giá xăng dầu còn gần 900 tỷ đồng nhưng có hơn 10 doanh nghiệp âm quỹ. Thậm chí, một số doanh nghiệp âm quỹ lớn như Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) âm nặng nhất với 815,33 tỷ đồng, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) âm 110 tỷ đồng.
Ngày 25/2, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các Bộ ngành cần tính toán kỹ lưỡng, tăng giá xăng dầu phải sát với thị trường, tiết kiệm tối đa có thể, theo nguyên tắc sử dụng Quỹ bình ổn giá, tiết kiệm chi phí trong kinh doanh xăng dầu để hỗ trợ người dân, hỗ trợ nền kinh tế.
Tại kỳ điều hành ngày 21/2, giá xăng E5 RON 92 trong nước tăng 961 đồng/lít lên 25.531 đồng/lít, còn xăng RON 95 tăng 965 đồng/lít lên 26.285 đồng/lít. Hiện, giá bán lẻ xăng RON 95 đã vượt vượt đỉnh lịch sử và xác lập kỷ lục mới.