Kế thừa đất đai còn được hiểu là việc chuyển quyền sử dụng đất của người đã chết sang cho người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật, phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự và pháp luật về đất đai.
Theo quy định hiện nay của Bộ luật dân sự và Luật đất đai thì thừa kế là một quan hệ xã hội và quyền sử dụng đất được coi là di sản thừa kế.
Điều kiện chung để kế thừa đất đai
-Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất:
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là giấy chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chứng thư pháp lý xác lập mối quan hệ hợp pháp giữa nhà nước với Người sử dụng đất.
Thông qua Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà nước xác lập mối quan hệ pháp lý giữa nhà nước với tư cách là chủ sở hữu đất đai với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được nhà nước chuyển giao quyền sử dụng đất.
Nhằm có đầy đủ các căn cứ pháp lý để thực hiện quản lý Nhà nước về đất đai, tạo cơ sở pháp lý để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của Người sử dụng đất.
Dù nhận quyền sử dụng đất dưới hình thức nào thì căn cứ rõ ràng nhất để xác định chủ thể có quyền sử dụng đất hợp pháp là chủ thể sử dụng phải đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Mặt khác, giấy chứng nhận còn có ý nghĩa xác định phạm vi, giới hạn sự tác động đến đất đai của Người sử dụng đất thông qua các nội dung: mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng, diện tích sử dụng,… được ghi nhận trên giấy.
-Quyền sử dụng đất còn thời hạn sử dụng:
Quy định thời hạn sử dụng đất là cách thực hiện quyền định đoạt đối với đất đai của Nhà nước.
Khi hết thời hạn sử dụng mà Người sử dụng đất không được gia hạn thì quyền sử dụng đất sẽ bị Nhà nước thu hồi, lúc này, quyền sử dụng đất của Người sử dụng đất chấm dứt.
Và đương nhiên khi đó họ không còn là chủ thể có quyền sử dụng đất để có thể thực hiện được quyền thừa kế quyền sử dụng đất. Do đó, chỉ khi quyền sử đất còn thời hạn sử dụng thì mới có thể để thừa kế.
Giấy tờ cần chuẩn bị gì?
+ Các giấy tờ chứng minh về tài sản của người để lại di sản: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; sổ tiết kiệm, Giấy đăng ký xe; Giấy chứng nhận cổ phần,…;
+ Giấy tờ về nhân thân của người thừa kế: CMND/CCCD, hộ khẩu, giấy khai sinh;
+ Phiếu yêu cầu công chứng theo mẫu;
+ Giấy chứng tử của người để lại di sản;
– Trường hợp có di chúc và di chúc ghi rõ cách phân chia tài sản, thì cần cung cấp thêm bản di chúc
– Trường hợp không có di chúc hoặc có di chúc nhưng di chúc không ghi rõ cách phân chia di sản, cần cung cấp thêm:
+ Tờ tường trình và cam kết về quan hệ nhân thân
+ Giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân giữa người thừa kế theo pháp luật với người để lại di sản trường hợp không có di chúc: hộ khẩu, giấy khai sinh, tờ khai nhân khẩu;
– Một số giấy tờ do thời gian quá lâu không còn nữa thì người khai nhận di sản thừa kế đến UBND xã, phường để xin trích lục giấy tờ như bản khai tử, giấy khai sinh, xác nhận tình trạng hôn nhân. Xác nhận nhân khẩu gia đình ông/bà từ ngày tháng năm tại Cơ quan Công an quản lý.
Thực hiện thủ tục
Sau khi kiểm tra hồ sơ thấy đầy đủ, phù hợp quy định của pháp luật, cơ quan công chứng tiến hành thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản. Việc thụ lý phải được niêm yết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày niêm yết.
Việc niêm yết do tổ chức hành nghề công chứng thực hiện tại trụ sở của UBND cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản; trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó.
Trường hợp di sản gồm cả Bất động sản và động sản hoặc di sản chỉ gồm có Bất động sản thì việc niêm yết được thực hiện theo quy định tại Khoản này và tại UBND cấp xã nơi có Bất động sản.
Trường hợp di sản chỉ gồm có động sản, nếu trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng và nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản không ở cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì tổ chức hành nghề công chứng có thể đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản thực hiện việc niêm yết.
Sau 15 ngày niêm yết, không có khiếu nại, tố cáo gì thì cơ quan công chứng chứng nhận văn bản thừa kế.
Các đồng thừa kế có thể lập Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế (Điều 57 Luật Công chứng 2014) hoặc Văn bản khai nhận di sản thừa kế (Điều 58 Luật Công chứng 2014).
Sau khi công chứng văn bản thừa kế, người được hưởng di sản thực hiện thủ tục đăng ký quyền tài sản tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng tài nguyên và môi trường cấp huyện nơi có đất.